Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Xuân và ước nguyện

Không biết tự bao giờ trong kho tàng thi ca, ca dao Việt Nam đã vang lên tiếng thảm thương, não lòng, tê tái của người phụ nữ Việt lấy chồng xứ "lạ" mỗi khi xuân về:
Đêm ba mươi tết, tết lại ba mươi
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách
Một tay em cầm cái dù rách, một tay em xách cái chăn bông
Em đứng bên bờ sông, em trông sang nước người
Hỡi chú Chệt ơi là chú Chệt ơi [1]
Nhưng đó chỉ là thời xưa, nay thời hiện đại lại khác, xuân về âm nhạc Việt Nam lại gào lên, "Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một biển đông mối tình hữu nghị". Rồi cả đám rủ nhau ăn mặc, ôm hôn, quỳ lạy sao cho giống Ngô và xây cầu, đóng tàu...cao tốc rước thằng Ngô qua ở luôn cho khỏe! Và đảng cộng sản Việt Nam với tấm thân rách nát, tàn tạ của mình, quyết tâm dâng hiến cho Trung Quốc cú chót.
Cuộc hôn nhân không cùng chung chủng tộc ngày xưa, được dân Việt dành cho tấm lòng vị tha, thấm đẫm tội nghiệp và cảm thông chia xẻ. Nay lại khác, cuộc hôn nhân của hai chính quyền đã làm dân Việt uất hận vì đưa Việt Nam trở lại bóng ma đen tối của thời kỳ Bắc thuộc. Và mỗi mùa xuân, dân Việt càng bị đè nặng thêm của kiếp đọa đày.
Vào năm 1928, khi Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra vụ cướp đất tại đồng Nọc Nạn. Một bên là quan chức chính quyền sở tại và bọn phú hào địa phương, một bên là dân khai hoang, mở đất. Nhưng may mắn cho gia đình ông Biện Toại, họ được trả tự do và giữ lại đất đai do cha ông dày công khai phá. Cho dù sống trong xứ sở thuộc địa, họ vẫn được xử theo luật của con người và sau lưng họ, một nền báo chí tự do đã luôn bảo vệ cho công lý.
Nhưng 84 năm sau,  cũng tại Việt Nam dưới thời Bắc thuộc,  tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng cũng xảy ra vụ cướp đất. Một bên là quan chức chính quyền sở tại và bọn phú hào địa phương, một bên là dân khai hoang, mở đất. Nhưng không may mắn cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, vì ông ta sống xã hội ăn cướp và nói láo, nên án phạt nặng nhất đang chờ ông và cũng để răn đe cho những người đã, đang và sẽ bị cướp đất. Ông không biết dựa vào ai vì sau lưng đảng cộng sản Việt Nam, cả một đám côn đồ công an và nền báo chí "khá thuần" không bao giờ biết hay dám nói đến hai chữ "công lý".
Cũng là cướp đất, nhưng ngày chính quyền ngày nay lại càng hoang dã và tinh vi hơn chính quyền ngày xưa. Ngày xưa, chỉ xảy ra trong khuôn khổ vài vùng, nhưng đến cùng vẫn còn cán cân công lý. Ngày nay, lan tràn toàn nước Việt Nam, đi đến đâu cũng nghe "thu hồi, giải tỏa", đẩy dân đen đến cảnh khốn cùng. Xuân đến với những kẻ không nhà, nước mắt và uất hận bị dập vùi trong mảnh đất đẫm mồ hôi bao đời tạo lập, nay đẫm máu. Dân Việt lại chìm sâu và quay cuồng trong điêu linh, tê tái. Đi về đâu?
Vào tháng chín, năm 1787, một phụ nữ đã gặp Benjamin Franklin khi ông ta đã hoàn thành xong hiến pháp Hoa Kỳ, và hỏi, "Thưa ngài, chúng ta được gì, một chế độ cộng hòa hay là chế độ quân chủ?" Benjamin Franklin đã trả lời, "Một chế độ cộng hòa, nếu bà có thể giữ nó" [2]. Vâng, dân Hoa Kỳ đã giữ được chế độ cộng hòa và Hoa Kỳ trở thành cường quốc thịnh vượng.
Cũng vào tháng chín, nhưng năm 1945, một người xưng tên là Hồ Chí Minh cũng tuyên bố Việt Nam là nuớc "cộng hòa", lại còn tô vẽ thêm "hạnh phúc", "tự do", "độc lập" nhưng cố lập hiến pháp dành quyền cho đảng cộng sản cai trị Việt Nam. Dĩ nhiên, "cộng hòa", "hạnh phúc", "tự do", "độc lập" chì là những cái bánh vẽ nhét vào đầu dân chúng. Việt Nam trở thành nước nghèo nàn và lạc lậu.
Và đảng cộng sản Việt Nam cố công dâng đất đai Việt Nam cho Trung Quốc. Lại dâng đất, nhưng không dể vậy! Người dân Việt đã thức tỉnh. Dù vài trăm, vài ngàn người nhỏ nhoi nhưng tiếng thét yêu nước đã bừng dậy tinh thần của dân Việt. Phụ nữ Việt Nam lại phải xuống đường vì tổ quốc. Chỉ với dòng chữ đơn giản, "Hòang Sa, Trường Sa là của Việt Nam", họ chỉ muốn giữ đất đai thấm đẫm mồ hôi và máu của tiền nhân, nhưng Việt Nam đâu là xứ sở tự do mà mấy chị bày tỏ? Bị bắt!
Vâng, cũng chỉ vì đất!
Tôi chỉ là một người con của mẹ Việt Nam. Đứng truớc quê hương trong viễn cảnh điêu tàn, trước viễn cảnh dân Việt lạc loài trên đất mẹ. Tôi ước nguyện Xuân này mang về cho đất mẹ một mùa hè rực lửa, để tổ quốc an khang và dân tộc thái bình.
Còn bạn? Xin một lần, hãy ước nguyện cho quê hương.
---------
[1] Nguyễn Tấn Long, Phan Canh. "Thi ca bình dân Việt Nam", Sống Mới xuất bản, 1969
[2] Tài liệu về sự thành lập liên bang Hoa Kỳ, "Những tranh luận tại hội nghị liên bang năm 1787" . (Documents Illustrative of the Formation of the Union of the American States, "Debates in the Federal Convention in 1787").